PEER PRESSURE – KHỦNG HOẢNG CỦA NHỮNG THẾ LỰC CÙNG TUỔI

 PEER PRESSURE – KHỦNG HOẢNG CỦA NHỮNG THẾ LỰC CÙNG TUỔI



Gửi cho những bạn trẻ như tôi
Anh cầm điện thoại trên tay, vừa hay nhà trường công bố điểm thi. Sau một tiếng thở dài, anh quyết định ấn vào nút “xem điểm”. May thật, anh cứ nghĩ mình sẽ phải thi lại nhiều môn lắm đây, bảng điểm vượt qua hơn những gì anh mong đợi, trái ngọt sau những đêm thức tới sáng chỉ để ôn đi ôn lại một mớ bòng bong. Anh còn nhớ lúc được phát đề tay anh run ra sao, giờ đây, có được con điểm kéo anh qua môn, anh tự hào lắm. Ngước qua nhìn điện thoại bạn thân thì thấy sao thật kỳ lạ, điểm số của anh chẳng nhằm nhò gì, nó hơn anh đến tận 3 điểm. Thầm nghĩ chắc là nó từ đó giờ đã giỏi rồi, nhưng rồi cái A, thằng B, nó có học gì đâu? Lúc nào nó cũng đội sổ, học lại cả tá môn mà anh lại thua chúng nó cả 4 điểm. “Quái lạ, đề thi nó khó thế cơ mà?” Tim anh như chùng xuống, cơ thể anh nóng nực khó chịu. Nỗ lục của anh như hạt muối biển trong đại dương to lớn khi cả lớp anh nhắn tin khoe rằng họ kiếm được con điểm từ 9 đến cả 10. Còn anh, cầm điện thoại tay run run với con điểm 5 vừa đủ để qua môn…
Cơn áp lực đó chẳng phải là áp lực của những học sinh giỏi, cũng chẳng đến từ áp lực của việc điểm số. Cơn áp lực như trên là cơn áp lực đến từ những người đồng đội của mình. Chẳng có cảm giác gì để miêu tả được khi chứng kiến cùng là một đội, cùng xuất phát điểm nhưng chỉ có bản thân mình là một cá thể bị loại trừ. Cơn khủng hoảng này rất phổ biến, được nhiều báo chí viết lên cho nó một cái tên khá hay là “peer pressure” hay “ áp lực đồng trang lứa”. Câu chuyện trên cũng có thể khiến ai cũng mường tượng ra được cái áp lực đó, đối với nhiều cá nhân nó còn như là một cơn khủng hoảng, một sự mâu thuẫn với cái tôi; khi mà nhiều người tuy cùng cấp độ với bạn lại bỗng chốc được tăng lương hay được cấp trên khen thưởng, còn mình chỉ quanh quẩn với đống giấy tờ và tiền lương ít ỏi.
Tự hỏi rằng tại sao có những sự so sánh như thế nhỉ? Có một điều dễ nhận ra từ câu chuyện “chàng trai cùng con điểm 5” ở trên là những “nạn nhân” đã thực sự cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu. Những cá nhân chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng tiêu cực này cũng thường như thế, điều này chỉ xảy ra khi 100% nỗ lực mà thành quả chỉ bằng 1/3, khiến họ cảm thấy bản thân mình còn yếu kém, thiếu thốn trăm sự và chỉ có thể dừng lại ở mức độ đó. Trớ trêu thay những so sánh này rất là khập khiễng, ta dễ dàng bắt gặp những “kẻ nghiệp dư” ngước nhìn thành quả của những người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực, biết đến rõ hơn qua “ quả trứng tự so mình với gà trống”. Đồng nghĩa một người dễ dàng tự đem bản thân chưa một thành tựu, vẫn còn yếu kém ra cùng bàn cân với một con người thành đạt, lão làng hay thậm chí đã sinh ra ở vạch đích.
Một điều ta có thể quan sát được ngày nay việc đem người khác so sánh hóa ra không có gì khó cả, nếu như ông bà ta những ngày còn xưa việc biết được một người bạn đồng trang lứa của ta sống như thế nào cũng chỉ có thể thông qua những lá thư đầy chữ; mà bây giờ, chỉ với một cú click hay chỉ là một lần lướt, ta có thể dễ dàng đắm chìm trong nhung lụa của những doanh nhân thành đạt cùng độ tuổi của mình khắp mạng xã hội. Tạo nên một vòng khép kín rằng bất cứ khi mình tưởng như đã nhuần nhuyễn kỹ năng hay khía cạnh bất kỳ thì lại thấy rằng một ai đó trên mạng lại giỏi hơn ta rất nhiều lần. Chả trách sao nhiều gen Z chẳng hề muốn đi ra ngoài mà làm việc như trong lời mắng của các “thế hệ già”, họ bị nhụt chí vì cho dù họ có làm gì áp lực “tấm gương lớn” vẫn đang phản chiếu, rằng vẫn sẽ luôn có người giỏi hơn họ, rằng họ sẽ không có hy vọng hay tương lai tươi sáng gì cả. Đồng ý thêm một sự thật nữa là “ peer pressure” có mặt khắp mọi tuổi tác, thậm chí có cả ở những các học sinh lớp 1 khi liên tục tự so sánh bản thân với các bạn học khác; nhưng mà dù có chuyện gì xảy ra chăng đi nữa, mạng xã hội góp công không nhỏ để khiến làn sóng tiêu cực này ngày một lớn.
Mang theo gánh nặng của những tư tưởng lớn, họ được gì? Lần lượt là sự chối bỏ, sự phẫn nộ, sự mặc cả, trầm cảm và cuối cùng, sự chấp nhận. Đầy đủ cả một quá trình để một nỗi buồn được hình thành. Nhiều người có thể vượt qua bước ngoặt này để trở nên giỏi hơn và tự tin hơn, tiếc thay, có những người không được may mắn vậy. Sự nhận thức bản thân yếu kém kéo theo hàng năm trời để chấp nhận mình cần trau dồi, ăn nhiều trái đắng để giỏi hơn; và còn cá nhân tệ hơn, họ bỏ cuộc.
Kết thúc vòng xoáy của áp lực này, ta cần làm gì? Chưa bao giờ sự tự nhận thức của bản thân (Self-awareness) lại cần được chú ý đến như thế này! Nó giống như việc bạn sẽ chỉ vào cái mũi của mình thay vì cái ảnh ảo chiếc mũi trong tấm gương lúc đang soi vậy, việc biết được giới hạn của bản thân sẽ cho phép bất cứ ai có đủ dũng khí để dám bước tiếp. Cuộc đời cho bạn quả chanh, hãy vắt kiệt nó, thêm chút đường, thế là bạn có một ly chanh ngon rồi. Khi mà bạn đang trong giai đoạn của sự so sánh mê muội không ngừng đó, lời khuyên hữu hiệu nhất là hãy dừng lại các cuộc sống ảo trên các nền tảng mạng xã hội và tìm cho mình một nơi mà bạn tin là bạn thuộc về. Tiệm cà phê quen thuộc, một bài hát bạn thường hay nghe hay là một buổi chiều trò chuyện cùng ba mẹ bạn chẳng là một ý tồi đâu nhỉ? Tạm thời vứt bỏ đi hay nói thẳng thừng là hãy vô trách nhiệm tạm thời với những gánh nặng về công việc hay tiền bạc, xin phép sếp nghỉ một hoặc hai ngày có khi cả tuần cũng hay. Tôi tin rằng khi bạn có đủ thời gian tỉnh táo thì bạn mới biết được tiềm năng thật sự bên trong.
Vậy đó, gửi những ai đang miết trán vì con số vô nghĩa trên giấy tờ: Chúc các bạn một ngày tốt lành!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến